1. Khái niệm về quản trị tài chính
Quản trị tài chính được định nghĩa như là một môn học về khoa học quản trị nghiên cứu các mối quan hệ tài chính phát sinh trongphạm vi ho ạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp để từ đó có thể đưa ra các quyết định tài chính nhằm vào những mục tiêu khác nhau như tối đa hóa lợi nhuận, tối đa hoá giá trị doanh nghiệp và các mục tiêu khác.
Các mối quan hệ tài chính này được biểu hiện thông qua các chính sách tài chính của doanh nghiệp như:
• Chính sách về quản lý tài sản.
• Chính sách về đầu tư vào tài sản và cơ cấu tài sản đầu tư.
• Chính sách tổ chức và huy động vốn thể hiện thông qua việc tổ chức một cơ cấu nguồn vốn hợp lý.
2. Mục tiêu của quản trị tài chính
Quản trị tài chính nhằm thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có thể có nhiều mục tiêu khác nhau trong từng thời kỳ phát triển. Có nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định mục tiêu của doanh nghiệp, song trước khi trình bày các mục tiêu được số đông đồng tình cho các nền kinh tế hiện đại hiện nay, cũng cần nhắc qua một số quan điểm khác.
Các mục tiêu chính của quản trị tài chính:
(1). Mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận
Quan điểm cổ điển về doanh nghiệp đã giữ mãi mục tiêu duy nhất là tối đa hóa lợi nhuận. Quan điểm này đã được thừa nhận trong một thời kỳ dài. Tuy nhiên đến nay đang bộc lộ nhiều hạn chế.
(2). Những mục tiêu khác
Từ các cuộc thăm dò tại các doanh nghiệp, nhiều nhà kinh tế đã nhấn mạnh mục tiêu mà họ theo đuổi không phải là tối đa hóa lợi nhuận mà chỉ đặt lợi nhuận bình thường như những mục tiêu khác: mục tiêu về tỷ suất lợi nhuận, tối đa hóa doanh số bán, tối đa hóa hoạt động hữu ích của các nhà lãnh đạo. Những mục tiêu này thường hướng vào tối đa hóa một biến số đặt dưới một vài ràng buộc.
(3). Mục tiêu tối đa hóa giá trị hoạt động
Hiện nay, các nhà lý luận tài chính trên thế giới giữ lại mục tiêu tối đa hóa giá trị hoạt động của doanh nghiệp hay tối đa hoá lợi ích cho cổ đông. Trên cơ sở này, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải có những quyết định tài chính sao cho tối đa hóa giá trị doanh nghiệp.Thực vậy, mỗi doanh nghiệp không chỉ có một mà là có rất nhiều mục tiêu, nhưng phải ưu tiên cho mục tiêu có thể làm tối đa hóa giá trị hoạt động của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp cổ phần mà đặc biệt là các doanh nghiệp cổ phần có niêm yết trên thị trường chứng khoán.
(4). Mục tiêu của quản trị tài chính
Ngày nay, tiêu điểm của quản trị tài chính là ở chỗ lấy quyết định và hành động ảnh hưởng đến giá trị của doanh nghiệp. Giá trị của doanh nghiệp tùy thuộc vào chuỗi thu nhập kỳ vọng sẽ ph át sinh trongtương lai cũng như độ rủi ro của lợi nhuận kỳ vọng.
Tóm lại các quyết định tài chính sẽ gây ảnh hưởng đến giá trị hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy mục tiêu của quản trị tài chính trong doanh nghiệp là:
• Đầu tư vào các loại tài sản bao nhiêu và nên theo một cơ cấu nào là hợp lý.
• Các tài sản đầu tư nên tài trợ từ những nguồn vốn nào và nên theo một cơ cấu vốn nào là tối ưu nhất.
Đó là hai mục tiêu cơ bản của quản trị tài chính và đương nhiên mục tiêu của công tác quản trị tài chính phải phục vụ mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là tối đa hóa giá trị hoạt động của doanh nghiệp.
3. Vai trò của quản trị tài chính
3.1. Sự thay đổi vai trò của quản trị tài chính
Giống như mọi lĩnh vực khác trong thế giới hiện đại, vai trò của quản trị tài chính đã có nhiều thay đổi trong quá trình phát triển của nền kinh tế thế giới.
Trước những năm 1950, chức năng chính của quản trị tài chính là đi tìm kiếm các nguồn tài trợ cho nhu cầu vốn. Sau đó, người ta chú ý hơn vào việc sử dụng vốn và một trong những chuyển biến quan trọng nhất của quản trị kinh doanh hiện đại là sự phân tích có hệ thống việc quản trị nội bộ doanh nghiệp với trọng tâm đặt vào sự luân chuyển vốn trong cơ cấu của doanh nghiệp.
3.2. Tầm quan trọng của các quyết định tài chính
Vai trò của quản trị tài chính trong hoạt động của doanh nghiệp được mô tả rất thích hợp như sau: "Thành công của doanh nghiệp hay ngay cả sự tồn vong của nó, khả năng và ý muốn duy trì mức sản xuất và đầu tư vào tài sản cố định hay tài sản lưu động, một phần lớn được xác định bởi chính sách tài chính trong hiện tại và quá khứ".
3.3. Vai trò của Quản trị tài chính trong nền kinh tế
Nhà quản trị tài chính giữ vai trò quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp. Qua việc sử dụng quyền nội kiểm, họ giúp sử dụng tối đa các tài nguyên hiện có của doanh nghiệp, bao gồm cả việc phân tích và kiểm soát chi phí nhằm sử dụng tài sản với hiệu quả tối đa.
Nhà quản trị tài chính cũng giữ vai trò quan trọng đối với việc duy trì tài nguyên bên ngoài, tức là họ có quyết định về việc tìm kiếm tài nguyên hiện không nằm dưới quyền kiểm soát của doanh nghiệp, mà trước hết là các quyết định về ngân sách đầu tư nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp đầu tư đúng chỗ và có lợi nhất.
Như vậy, quản trị tài chính giữ một vai trò quan trọng trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động của mỗi đơn vị doanh nghiệp và trong việc phân phối tài nguyên sản xuất giữa các doanh nghiệp.
4. Vị trí của quản trị tài chính
Quản trị tài chính cổ điển thường chú trọng vào quản trị vốn lưu động hay tìm các nguồn tài trợ. Việc tìm nguồn tài trợ vốn khá lớn đòi hỏi doanh nghiệp phải dấn thân trong một thời gian khá dài. Mọi sai lầm sẽ trả giá rất đắt. Tuy nhiên việc tìm kiếm nguồn tài trợ chỉ thực hiện ở những khoảng thời gian cách nhau rất xa nên chỉ chiếm một phần nhỏ thời gian của người giám đốc tài chính.
Môn học này sẽ tập trung vào ba hướng chính của chức năng quản trị tài chính:
• Phân tích, hoạch định và kiểm soát tài chính.
• Quản trị vốn lưu động.
• Các giai đoạn tài trợ cá biệt.
4.1. Hai khía cạnh của quản trị tài chính
Môn học quản trị tài chính nên nhấn mạnh các khía cạnh quản trị cần cho nhà quản trị tài chính hay nên nhắm vào những người muốn tìm hiểu tình hình tài chính ở vị trí chủ sỡ hữu (nhà nước hay cổ đông), hay khách hàng? Hai quan điểm trên không có gì tương phản.
Nhà quản trị tài chính, mặc dù có trách nhiệm nặng nề về hoạt động nội bộ của doanh nghiệp, nhưng vẫn phải lưu ý đến phản ứng của người ngoài nhìn vào hoạt động của mình như: Cổ đông, chủ nợ, khách hàng, cơ quan thuế, . . .
Các đòi hỏi và áp lực bên ngoài buộc ông ta phải điều chỉnh các vấn đề nội bộ của hoạt động tài chính. Như vậy, các quyết định tài chính cần phải dựa trên cơ sở cả hai quan điểm. Song, quan điểm của những người trong doanh nghiệp cần đáng được ưu tiên chú trọng hơn vì nhà quản trị tài chính chịu trách nhiệm trực tiếp về các vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
4.2. Vị trí của Quản trị tài chính
Nhà quản trị tài chính của doanh nghiệp, có thể gọi là tổng thủ quỹ (Treasurer) hay là giám đốc, phó tổng giám đốc tài chính và thường ở địa vị thượng tầng của cơ cấu tổ chức doanh nghiệp. Đặc biệt, việc hoạch định tài chính được thi hành bởi các nhà quản trị cao cấp nhất.
Do đó người điều hành hoạt động tài chính thường là một phó tổng giám đốc hoặc đôi khi chính ông tổng giám đốc làm nhiệm vụ của nhà quản trị tài chính. Thường trong các doanh nghiệp nhỏ, chính chủ nhân, vị tổng giám đốc đảm trách luôn hoạt động tài chính của doanh nghiệp.
Lý do mà nhà quản trị tài chính chiếm địa vị cao trong cơ cấu tổ chức là vì tầm quan trọng của công việc phân tích, hoạch định và kiểm soát mà họ chịu trách nhiệm. Ban tham mưu kiểm soát tài chính thường báo cáo trực tiếp cho tổng giám đốc và hoạt động như là chuyên viên phân tích cho các phó tổng giám đốc sản xuất, tiếp thị, kỹthuật...
5. Quản trị tài chính và các môn liên quan
Có một điểm trái ngược là, mặc dù chức năng quản trị tài chính được thi hành ở cấp cao nhất trong tổ chức, người giám đốc tài chính của một doanh nghiệp lớn thường bắt đầu bằng cách tập sự các công việc kế toán. Do đó câu hỏi về tương quan giữa tài chính và kế toán thường được đặt ra.
5.1. Kế toán và tài chính
Nhiều người cho rằng khó phân biệt giữa tài chính và kế toán. Cả hai lĩnh vực đều sử dụng một ngôn ngữ, một loại dữ kiện và do đó có vẻ giống nhau. Tuy nhiên kế toán thiên về thu nhặt và ghi nhận dữ kiện trong lúc tài chính chuyên phân tích dữ kiện dùng để ra quyết định. Mặc dù càng ngày kế toán càng cung ứng nhiều tin tức bổ ích cho việc ra quyết định, cấp quản trị tài chính vẫn là người có trách nhiệm phân tích, hoạch định và kiểm soát.
5.2. Kinh tế và tài chính
Kinh tế được định nghĩa như là một môn học nghiên cứu việc sử dụng có hiệu quả các tài nguyên có giới hạn hoặc là nghiên cứu các phương tiện đáp ứng hay nhất những mục tiêu xã hội.
Các loại quyết định về tiếp thị, sản xuất, tài chính, nhân sự… chính là những vấn đề liên quan đến kinh tế và do đó tài chính doanh nghiệp là một khía cạnh của lý thuyết kinh tế doanh nghiệp.
Tóm lại:
Nhà quản trị tài chính giữ vai trò trọng yếu trong doanh nghiệp, ông ta có trách nhiệm phân tích, hoạch định, kiểm soát yếu tố này giúp doanh nghiệp sử dụng tài nguyên có lợi tối đa và giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí.
Tầm quan trọng của nhà quản trị tài chính được thể hiện qua vị thế cao cấp mà ông ta nắm giữ trong cấu tổ chức của doanh nghiệp. Các quyết định tài chính rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp vì nó xác định khả năng của doanh nghiệp trong việc huy động vốn và đầu tư vào tài sản, lưu giữ tồn kho và các khoản phải thu cần thiết, tránh các chi phí cố định lớn khi doanh thu giảm và tránh mất quyền kiểm soát doanh nghiệp.
Tài chính linh hoạt trích tài liệu quản trị tài chính được chia sẻ trên internet