Mục tiêu của tất cả các doanh nghiệp chính là việc tạo ra các giá trị cho cổ đông. Thế nhưng giá trị ấy được đo lường như thế nào lại là một câu hỏi được đặt ra? Bởi nếu không thể đo lường giá trị ấy một cách định lượng cụ thể thì làm sao các cổ đông cũng như nhà đầu tư có thể nhận biết tốt nhất giá trị mà doanh nghiệp thật sự đang tạo ra là bao nhiêu? Do vậy việc tìm kiếm một cách thức vừa đơn giản vừa đáp ứng được mục tiêu đặt ra đó thật sự là một việc làm đáng được quan tâm.
May mắn thay, nhiều nhà phân tích và tư vấn đầu tư đã tìm thấy lời giải cho bài toán hóc búa ấy. Chắc hẳn trong đầu của mỗi người đang nghĩ đến thước đo thu nhập ròng được thể hiện trong các báo cáo thu nhập. Thế nhưng thu nhập ròng vẫn chưa phải là một thước đo phù hợp với mục tiêu của chúng ta. Thước đo mà tôi muốn nói đến ở đây chính là lợi nhuận kinh tế (economic profit) hay còn được gọi bằng một thuật ngữ khác là Gía trị kinh tế gia tăng EVA.
Vậy EVA là gì? Và tại sao nó lại được xem là thước đo giá trị doanh nghiệp tạo ra đáng tin cậy hơn thước đo thu nhập ròng?
Trước hết giá trị kinh tế gia tăng là một thước đo sự hoạt động của doanh nghiệp. Thuật ngữ này được Stern Stewart&Co sáng tạo ra trong lúc cố gắng tìm kiếm cách thức đo lường mức lợi nhuận kinh tế (economic profit) thật sự mà một doanh nghiệp nào đó có thể tạo ra. Nhờ đó mà chúng ta có thể xác định được mức độ thành công cũng như thua lỗ của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nào đó một cách chính xác hơn và đơn giản hơn. Gía trị kinh tế gia tăng- EVA cũng là một thước đo hữu ích đối với nhà đầu tư khi muốn xem xét một cách định lượng giá trị mà doanh nghiệp có thể tạo ra cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư cũng có thể dùng thước đo EVA để so sánh doanh nghiệp này với các doanh nghiệp khác cùng ngành một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên ở đây cần có sự phân biệt giữa giá trị kinh tế gia tăng EVA và giá trị thị trường gia tăng MVA (market value added). Giá trị thị trường gia tăng MVA không phải là một thước đo sự hoạt động (performance metric) như EVA mà nó là thước đo sự giàu có (wealth metric), đo lường giá trị doanh nghiệp được tích luỹ qua thời gian. Bởi vì nếu một doanh nghiệp hoạt động tốt trong suốt một thời gian dài, nó sẽ có nhiều lợi nhuận giữ lại bổ sung, làm tăng thêm giá trị sổ sách của mỗi cổ phần, nhà đầu tư thường có khuynh hướng sẽ trả giá cao hơn cho những cổ phần được kỳ vọng có thể mang lại dòng thu nhập trong tương lai, do vậy khiến cho giá trị thị trường của doanh nghiệp tăng lên.
Sự khác biệt giữa thước đo hoạt động và thước đo sự giàu có của doanh nghiệp chỉ đơn giản là: Nếu như thước đo hoạt động quan tâm đến việc đo lường giá trị doanh nghiệp thật sự tạo ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh, thí dụ như thu nhập hay tỷ suất sinh lợi trên vốn đầu tư thì thước đo sự giàu có lại là thước đo giá trị mà nó phụ thuộc vào cung- cầu của thị trường chứng khoánvà cái nhìn triển vọng của nhà đầu tư về tương lai của doanh nghiệp, thí dụ như giá trị vốn hoá thị trường hay tỷ số giá/ thu nhập (P/E). Dĩ nhiên tuy có sự khác biệt nhau nhưng giữa thước đo hoạt động và thước đo sự giàu có vẫn có mỗi liên hệ mật thiết với nhau.
Trước đây người ta vẫn quen dùng chỉ số lợi nhuận ròng hay thu nhập trên mỗi cổ phần EPS là căn cứ cho giá trị doanh nghiệp tạo ra cho cổ đông. Song, càng ngày người ta càng ưa dùng thước đo EVA. Bởi vì EVA xác định mức lợi nhuận của doanh nghiệp sau khi trừ đi chi phí sử dụng vốn. Điều này là dễ hiểu. Lợi nhuận thật sự nên được tính tương xứng với chi phí sử dụng vốn. Dễ thấy nhất là nếu cả hai doanh nghiệp đều tạo ra lợi nhuận là 1 tỷ đồng một năm, nhưng một doanh nghiệp đã phải sử dụng vốn đầu tư 500 triệu với một doanh nghiệp chỉ sử dụng vốn đầu tư có 200 triệu phải nên được đánh giá khác nhau, đúng không?
Để giải thích rõ hơn cho sự lựa chọn EVA thay vì các chỉ tiêu về thu nhập ròng, chúng ta lấy ví dụ về một công ty A sản xuất giày da. Năm đầu hoạt động, công ty A tạo ra được thu nhập từ hoạt động bán giày da là $ 100000 trên vốn hoạt động là $ 1000000. Như vậy công ty A đã tạo ra được tỷ suất sinh lợi trên vốn là 10%. Theo tính toán của kế toán thì rõ ràng công ty A đang hoạt động kinh doanh rất tốt. Tuy nhiên, công ty đâu chỉ hoạt động trong một năm rồi đóng cửa, trong khi đó thị trường tiêu thụ giày da không phải lúc nào cũng ổn định, rủi ro tiềm ẩn lúc nào cũng có và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Sức ép đối với các nghĩa vụ nợ cộng với tỷ suất sinh lợi đòi hỏi mà nhà đầu tư yêu cầu cho thời gian đầu khi đầu tư vào doanh nghiệp mới khởi nghiệp đã làm gia tăng chi phí sử dụng vốn của công ty lên đến 13%. Điều đó có nghĩa là năm ngoái, mặc dù công ty có thể vui mừng với mức lợi nhuận kế toán, thế nhưng thật sự thì các cổ đông của công ty đang bị lỗ 3%.
Ngược lại, nếu vốn của công ty A là 100 triệu USD bao gồm cả nợ và vốn chủ sở hữu, chí phí sử dụng vốn hằng năm là 13 triệu USD (bao gồm lãi vay và chi phí sử dụng vốn cổ phần đòi hỏi), thì công ty A chỉ được xem là đã tạo ra giá trị kinh tế cho các cổ đông chỉ khi nào lợi nhuận kế toán nhiều hơn 13 triệu USD mỗi năm. Nếu công ty A tạo ra được 20 triệu USD thì giá trị kinh tế gia tăng EVA của công ty A sẽ là 7 triệu USD.
Nói cách khác, EVA đã tính cả vào chi phí cơ hội khi mà nhà đầu tư bỏ vốn vào hoạt động kinh doanh. Do vậy mà nó phản ánh chính xác hơn chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp mà các phương thức truyền thống hình như đã bỏ quên. EVA đã được nhiều doanh nghiệp lớn như Coca- Cola, GE và AT&T sử dụng để đo lường giá trị mà doanh nghiệp thật sự tạo ra từ hoạt động của mình.
Tính toán EVA
Việc tính toán EVA cũng không mấy khó khăn: Đầu tiên là tính toán thu nhập hoạt động sau thuế (NOPAT) Với NOPAT= thu nhập hoạt động*(1- thuế suất). Sau đó tính tổng vốn đã đầu tư(TC). Rồi tính chi phí sử dụng vốn bình quân WACC. Cuối cùng là EVA= NOPAT- WACC%*(TC).
Thí dụ, công ty B có lợi nhuận hoạt động sau thuế (NOPAT) năm 2006 là $200 000 với tổng vốn đầu tư là 2 triệu USD, chi phí sử dụng vốn trung bình WACC bằng 8.5% thì giá trị kinh tế gia tăng(EVA) của công ty B năm 2006 được tính bằng: $200 000 –(8.5%*2000 000)=$30 000. Con số $30 000 đại diện một khoản tương đương 1.5% tổng vổn đầu tư của công ty B, là thước đo tiêu chuẩn đối với giá trị mà doanh nghiệp thật sự tạo ra cho các cổ đông của mình sau khi đã trừ đi chi phí sử dụng vốn.
Thay lời kết
EVA giúp nhà đầu tư xác định được các doanh nghiệp có khả năng tạo ra giá trị hoạt động tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Nếu các yếu tố khác đều tương tự nhau, doanh nghiệp nào có EVA cao hơn thường là sẽ tốt hơn so với các doanh nghiệp có EVA thấp hơn, hay tệ hơn là EVA âm. Tuy nhiên theo nghiên cứu của Stern Stewart, thì EVA có thể là một nhân tố có khả năng ảnh hưởng cao đến sự thay đổi giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Nếu EVA đang khả quan nhưng kỳ vọng trong tương lai EVA có thể thấp hơn thì đó không hề là một tín hiệu tốt đối với nhà đầu tư.
Ngược lại, nếu một doanh nghiệp thậm chí đang có EVA âm nhưng được kỳ vọng là EVA sẽ gia tăng lên một mức rất khả quan thì đó lại là một tín hiệu tốt thúc đẩy nhà đầu tư mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp ấy. Các nghiên cứu gần đây cũng đã rất cố gắng để tìm mối quan hệ trực tiếp giữa EVA và biến động giá cổ phiếu. Tuy nhiên cho đến nay, các nghiên cứu cũng chưa thống nhất với một kết luận nào. Thế nhưng chi phí sử dụng vốn vẫn nên được nhà đầu tư quan tâm thoả đáng, nhà đầu tư hãy cẩn thận hơn khi nhìn vào các chỉ số thu nhập ròng hay chỉ số EPS trên các bản báo cáo thu nhập.
Ở Việt Nam, thị trường chứng khoán còn rất non trẻ, số lượng nhà đầu tư có kiến thức về tài chính để phân tích doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế, phần lớn chúng ta đều rất tin tưởng vào các chỉ số về thu nhập, chỉ số EPS. Thế nhưng thật sự thì chúng cũng vẫn có những hạn chế. Hi vọng bài viết này đã cung cấp cho các nhà đầu tư Việt Nam thêm một công cụ đơn giản để đánh giá doanh nghiệp niêm yết một cách đáng tin cậy, hỗ trợ cho việc ra quyết định mua- bán cổ phiếu một cách thông minh nhất.
Nguồn: saga.vn | Tạp chí Gỗ Việt số tháng 11/2008