Bạn có sở trường, hoài bão, thực lực nhưng công việc của bạn cứ không suôn sẻ như bạn mong muốn. Hay có không ít bạn trẻ thường tự hỏi: Tại sao mình chưa tìm được một công việc vừa ý với mức lương hấp dẫn mặc dù không thiếu kiến thức chuyên môn?...Vậy mấu chốt là gì? Câu trả lời nhiều khi rất đơn giản. Ở chính những thói quen của bạn nơi công sở.
Trong công sở, có những thói quen không có lợi và thậm chí có thể gây ảnh hưởng tới công việc, nhưng có những thói quen lại giúp công việc của bạn hoàn thành tốt và nhanh hơn.
I. Những thói quen xấu trong công việc nên từ bỏ
1. Nói chuyện điện thoại quá to
Khi nói chuyện điện thoại, bạn nên nói to vừa đủ để phía bên kia nghe rõ, không nên nói quá to. Hơn nữa, ở nơi làm việc bạn cũng cần phải hạn chế các cuộc điện thoại cá nhân. Luôn để điện thoại di động ở chế độ rung. Những tiếng nhạc điện thoại quá lớn và không phù hợp sẽ gây ảnh hưởng đến công việc của những người xung quanh.
2. Luôn trì hoãn mọi công việc
Sự trì hoãn chính là kẻ cắp thời gian và là kẻ thù của công việc. Liên tiếp lỡ hẹn deadline công việc làm đồng nghiệp thất vọng về bạn, thiếu lòng tin vào lời hứa của bạn. Do vậy, hãy thực hiện và hoàn thành công việc ngay khi có thể.
3. Lạm dụng Internet quá nhiều
Bạn thường xuyên sử dụng Internet cho các mục đích không phải là công việc, truy cập vào các trang mạng xã hội, viết email cho bạn bè…? Sự lạm dụng Internet thái quá sẽ khiến đồng nghiệp nghĩ rằng bạn lười biếng, không chịu làm việc.
4. Chơi điện tử
Bạn đã bao giờ không hoàn thành việc đúng thời hạn chỉ vì chơi điện tử chưa? Nếu câu trả lời của bạn là “Có” thì bạn hãy từ bỏ ngay thói quen này. Bạn có thể từ bỏ bằng cách xoá hết các trò chơi điện tử trong máy tính làm việc của bạn ở văn phòng.
5. Bật nhạc quá to
Hãy bật nhỏ iPod trong giờ làm việc. Ở hầu hết các công sở, nhân viên đều có thể nghe nhạc trong giờ làm việc. Tuy nhiên, nếu iPod của bạn bật quá lớn thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến mọi người xung quanh. Tiếng nhạc to sẽ khiến họ khó tập trung vào công việc. Do vậy, hãy thật lịch sự khi muốn nghe nhạc trong giờ làm việc.
6. Luôn kiếm cớ để không thực hiện công việc
Đây là một thói xấu rất dễ gặp ở hầu hết các nhân viên. Bạn luôn kiếm cớ để “bao biện” cho những việc bạn chưa hoàn thành? Nếu thói quen này lặp đi lặp lại nhiều lần, sẽ chẳng một đồng nghiệp nào còn tin tưởng vào những lờ bạn nói hết cả.
7. Không nhiệt tình với đồng nghiệp
Thật là khó chịu khi ngồi làm việc gần một đồng nghiệp cả ngày chỉ biết ngồi tại bàn làm việc và chơi ô chữ hay đánh móng tay/chân trong khi đó những người xung quanh thì phải “vùi đầu” vào một “núi” công việc. Bạn nên linh hoạt và sẵn sàng, nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp.
8. Hay than vãn, phàn nàn
Phàn nàn và than vãn về mọi điều xảy ra xung quanh bạn không chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi mà còn khiến đồng nghiệp cảm thấy khó chịu. Nói xấu đồng nghiệp hoặc sếp trong một khoảng thời gian dài sẽ không gây thiện cảm chút nào với đồng nghiệp hết cả.
9. Nói xấu đồng nghiệp
Nếu bạn thường có thói quen này, đấy là điều thật kinh khủng, cản bước thành công của bạn, bạn sẽ mất nhiều thời gian phung phí và vô ích, cách khắc phục tốt nhất là giũ nguyên tắc tuyệt đối không nói xấu người khác, thay vào đó hay giúp đỡ, nghĩ về nhưng việc tốt hơn, nếu nói xấu người khác, bản thân hành động đó là là xấu rồi, bạn đến cơ quan để làm việc chứ không phải làm mất đoàn kết nội bộ, tài sản vô hình mà công ty dàn công xây dựng.
II.Những thói quen tốt cần áp dụng
1. Đọc nhiều tài liệu và sách báo
Gail Hernandez, người quản lý bộ phận tiếp thị tại New Hampshire đã kể một câu chuyện của bản thân cô, đó là khi được giao nhận một dự án mới, có những kiến thức mới và khó hiểu. Thay vì phải đăng ký một lớp học cơ bản cô đã dành một thời gian nhất định trong giờ làm việc để đọc các tài liệu và sách báo liên quan. Sau một thời gian ngắn cô đã có được những kiến thức cô cần cho dự án và hơn nữa cô còn thu lượm được kiến thức về một lĩnh vực mới.
Cô cho biết thêm việc học kết hợp với thực tế sẽ giúp bạn rất nhanh chóng nắm được vấn đề. Hãy dành khoảng thời gian nhất định trong ngày đọc báo chí và các thông tin liên quan đến lĩnh vực bạn làm việc để cập nhật những thông tin mới nhất có thể.
2. Bỏ bớt những nhiệm vụ không quan trọng
Vấn đề ở đây không phải là bạn bỏ lại không làm công việc được giao mà bạn nên xem xét lại công việc và thời gian làm việc một ngày của bạn. Nhận biết đâu là công việc quan trọng và cần quan tâm nhất để làm. Thay vì làm những công việc mà kết quả không đem lại lợi ích gì cho công việc, bạn dành thời gian đó để suy nghĩ và hoàn thành công việc quan trọng hơn.
3. “Phớt lờ” email và chat
Hầu hết chúng ta đều có thói quen trả lời thư điện tử hay cửa sổ chat ngay khi chúng hiện lên màn hình. Thói quen này sẽ khiến bạn bị sao nhãng trong công việc và đôi khi sẽ lấy đi của bạn một khoảng thời gian mà bạn không nhận ra.
Hãy quy định một thời điểm nhất định trong ngày để kiểm tra hòm thư hay tin nhắn trong yahoo. Ví dụ, bạn nên kiểm tra thư vào buổi sáng khi đến cơ quan, sau khi ăn trưa về và trước khi tan sở. Điều này vẫn đảm bảo bạn có thể trả lời nhanh những thư thắc mắc gửi đến và không làm bạn bị mất tập trung khi đang làm việc khác.
4. Tạo ra khoảng thời gian giải lao ngắn trong giờ làm việc
Bạn có thể cho phép mình nghỉ khoảng 5 phút trong giờ làm việc mỗi khi bạn cảm thấy mỏi mệt. Lúc đó bạn có thể đi lại quanh phòng, uống một tách trà sẽ giúp bạn thư giãn đầu óc và lấy lại tinh thần để tiếp tục làm việc.
5. Không quá cầu toàn trong mọi việc
Trong cuộc sống cũng như công việc, những người cầu toàn luôn trì hoãn hoặc làm một công việc mất rất nhiều thời gian bởi vì họ mong muốn một kết quả hoàn mỹ. Điều này chưa hẳn là tốt bởi vì khó có việc gì có thể hoàn hảo. Khi bạn không quá cầu toàn trong mọi việc sẽ giúp bạn giải quyết công việc nhanh và dễ dàng hơn. Điều duy nhất bạn cần chú ý là đảm bảo kết quả công việc khả quan và trôi chảy.
( Nguồn:saga và thanhnienonline )