Quyết định thâm nhập thị trường

Vào tháng 5 năm 1996, ba công ty đa quốc gia (MNC) của Mỹ đã cân nhắc việc liệu có nên thâm nhập vào Việt nam hay không, và nếu có thì sẽ thâm nhập như thế nào. Là một nước đông dân đứng thứ 12 trên thế giới, Việt nam được nhiều người cho rằng sẽ trở thành “con rồng Châu Á” trong tương lai, bởi trong suốt 10 năm vừa qua, hàng loạt các cuộc cải cách tự do hóa kinh tế đã liên tục diễn ra làm cho nước này có được sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và được tiếp nhận nhiều nguồn vốn đáng kể đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Tuy vậy, vẫn tồn tại các luồng quan điểm khác nhau về tương lai chính trị và kinh tế của đất nước này, một đất nước do một đảng cầm quyền.

 Ngay sau khi Tổng thống Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Việt nam vào tháng Hai năm 1994, một số công ty đa quốc gia của Mỹ đã sẵn sàng hoạt động tại Việt Nam ngay lập tức thâm nhập vào thị trường này. Công ty đầu tiên có mặt trên thị trường là PepsiCo, chỉ bẩy tiếng đồng hồ sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ đã bắt đầu tiến hành sản xuất tại một nhà máy đóng chai mà hãng này đã đầu tư cùng với các đối tác Việt nam và Singapore, và ngay tối hôm sau đã đưa ra các đoạn phim quảng cáo có sự tham gia diễn xuất của Hoa hậu Việt nam trên mạng lưới truyền hình quốc gia. Các công ty khác cùng thâm nhập sớm vào thị trường này, cũng đã ở tư thế sẵn sàng để gia nhập ngay từ cơ hội đầu tiên, còn có Motorola, Boeing, một số ngân hàng và các công ty dịch vụ kế toán. Những công ty đa quốc gia của Mỹ này đã gặp phải sự cạnh tranh đến từ nhiều công ty của châu Á và châu Âu bị lôi cuốn bởi tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt nam. Một cuộc khảo sát gần đây đã nhận định Việt nam là một trong những nước hứa hẹn nhất đối với sự đầu tư của Nhật bản trong tương lai (xem Phụ lục 1).

Tại các văn phòng của mình ở châu Á và ở Mỹ, nhiều nhà phân phối tiềm năng, các đối tác liên doanh, và các nhà tư vấn đã tiếp cận cả ba công ty đa quốc gia này để đưa ra những đề xuất tư vấn về việc thâm nhập thị trường. Quyết định mà các công ty này đối mặt đã được một nhà tư vấn tóm lược như sau:

 Đó là một quyết định rất khó khăn. Việt nam thực sự là một thị trường lớn với lực lượng lao động dồi dào, có học thức và chi phí thấp. Bởi Việt Nam là một trong số những nước vừa mới mở cửa nên đất nước này có thể lựa chọn được những gì mà nó cho là thực tế tốt nhất từ những thị trường mới nổi trước nó. Những gì mà đất nước này đã đạt được cho đến nay thật là đáng kể, đặc biệt khi bạn nhớ rằng nó vẫn đang được điều hành bởi Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó một phần là do người Việt nam nói chung là rất chăm chỉ siêng năng làm việc, và đặc biệt là ở phía nam người dân ở đây rất có tinh thần kinh doanh. Chính phủ thì dường như đã thực sự cam kết đổi mới, và cho đến nay thì quá trình chuyển tiếp đã được diễn ra trôi chẩy đáng chú ý.

Cùng vào thời điểm đó, vẫn còn có nhiều điều về Việt Nam mà sẽ làm cho các công ty phương Tây lo lắng. Những vấn đề mà mọi người quan tâm nhất là sự tham nhũng, bộ máy quan liêu, và sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam luôn có ý định nắm giữ sự kiểm soát doanh nghiệp và duy trì một số quyền hạn không có tính khích lệ, như quyền được mua lại cổ phần của công ty nước ngoài, hoặc quyền quyết định về mức lợi nhuận chịu thuế. Những người bi quan đã có một ngày đáng nhớ trong tháng Hai khi mà chính quyền đã tiến hành tháo dỡ mọi tấm bảng quảng cáo bằng tiếng nước ngoài và xóa bỏ mọi tên nhãn hiệu nước ngoài trên những biển hiệu ở Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh, như là một phần trong chiến dịch chống lại “những tệ nạn xã hội.”

Đó vẫn chỉ là những ngày đầu. Khi bạn đến thăm Việt nam, phần lớn đất nước này có vẻ như vẫn chưa được phát triển. Các sân bay vẫn chưa được khôi phục lại hoàn toàn sau chiến tranh, các con đường thì thật là khủng khiếp, và có rất ít dấu hiệu của sự phát triển công nghiệp. Nhưng khi vào trong thành phố, bạn sẽ tìm thấy trong khách sạn của bạn toàn là các du khách thương nhân, bạn sẽ thấy những khối nhà cao tầng đầu tiên đang mọc lên, nơi đây tràn đầy sinh lực, những con phố được sắp xếp với các cửa hàng nhỏ chất đầy những sản phẩm của phương Tây. Tôi đã nói với một vài nhà quản lý người Mỹ được cử sang đây để đánh giá tình hình thâm nhập thị trường này thì mới biết rằng các sản phẩm của họ đã được bầy bán trong khắp thành phố này rồi. Một vài sản phẩm trong số đó là hàng giả, nhưng một vài sản phẩm là hàng chính hiệu và đã tìm được đường đến đây từ các thị trường châu Á khác.

Nhiều công ty mà tôi đã gặp gỡ nói chuyện thì đang trong tình trạng chờ đợi và xem xét, nhưng thị trường này thì đã được mở ra cho hoạt động kinh doanh và các công ty khác đang hy vọng sẽ thu được lợi nhuận béo bở từ việc sớm thâm nhập vào thị trường này.

Những cách thức gia nhập thị trường

Một số phương thức thâm nhập thị trường là có tính khả thi đối với một công ty quốc tế đang tìm cách tiến hành kinh doanh ở Việt nam. Tất cả đều phải được sự đồng ý chấp thuận của Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI).

 Đối với một MNC thì cách thức đơn giản nhất là chỉ định một doanh nghiệp nhập khẩu của Việt nam rồi xuất khẩu thành phẩm cho doanh nghiệp đó từ bên ngoài lãnh thổ Việt nam. Trước đây, điều này đòi hỏi một công ty quốc tế phải tiến hành thương lượng với một trong chín tổ chức nhập khẩu thuộc sở hữu nhà nước, nhưng những cải cách gần đây đã mở rộng việc cấp giấy phép nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt nam thuộc sở hữu tư nhân, và số lượng các nhà phân phối nhỏ như thế đang háo hức tìm cách trở thành đại diện cho các MNC nước ngoài thì đang ngày càng tăng lên. Các sản phẩm nhập khẩu sẽ phải lệ thuộc vào các mức thuế quan, được đưa ra để thay thế cho các hạn ngạch nhập khẩu như là một phần của quá trình cải cách đổi mới. Vào đầu năm 1996, các mức thuế quan này dao động từ 5% đến 100%, và trung bình là 25%, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào sự sửa đổi thường xuyên của chinh phủ và được áp dụng thiếu nhất quán bởi các quan chức hải quan. Ngoài giấy phép mang lại cho nhà nhập khẩu một địa vị được phép nhập khẩu chính thức, thì cần phải có thêm một giấy phép riêng biệt cho từng sản phẩm cụ thể để được nhập khẩu hay xuất khẩu một mặt hàng nào đó, cho dù là có số lượng nhỏ bé đến đâu đi nữa, và loại giấy phép này sẽ phải được xin cấp cùng với vận đơn ít nhất là một tuần trước khi mặt hàng đó được dự kiến là tới cảng nhập khẩu của Việt nam. Những loại giấy phép mở có giá trị trong vòng sáu tháng dành cho các mặt hàng được qui định cụ thể sẽ có thể được cấp cho các doanh nghiệp liên doanh, các doanh nghiệp thượng hạng, nổi tiếng (BCC - Blue Chip Company), hoặc các doanh nghiệp thuộc sở hữu nước ngoài (xem phần bên dưới); nếu không thì cứ mỗi chuyến hàng lại phải cần có được một giấy phép nhập khẩu.

Các MNC mong muốn đầu tư vào Việt nam đã có nhiều lựa chọn khác nhau. Chính sách của chính phủ là khuyến khích liên doanh giữa các doanh nghiệp nhà nước (SOE) và các tổ chức quốc tế, và để thu hút nguồn vốn đầu tư đổ vào nước này, các qui định của chính phủ đã cho phép các đối tác nước ngoài được sở hữu tối đa tới 70% cổ phần. Các đối tác Việt nam thì thường đóng góp bằng lực lượng lao động, nhà xưởng, thiết bị và quyền sử dụng đất, mà việc định giá những thứ đó là cả một vấn đề rất khó giải quyết. Luật Đầu tư Nước ngoài còn có qui định về mua lại cổ phần, theo đó các đối tác trong nước có thể được cấp quyền để có được số cổ phần ngày càng tăng dần trong các liên doanh có sở hữu nước ngoài. Trong bất kỳ các doanh nghiệp liên doanh nào được chính phủ chọn là một “cơ sở kinh tế quan trọng” (chủ yếu là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và các dự án thuộc ngành năng lượng), thì đều có một yêu cầu pháp lý đối với các đối tác trong nước là phải định kỳ gia tăng phần vốn của mình (và dó đó gia tăng số vốn góp cổ phần) trong dự án đó. Tuy nhiên do bộ luật này yêu cầu phải có sự biểu quyết nhất trí của mọi ủy viên hội đồng quản trị nên phần vốn góp cổ phần đa số cũng không mang lại sự kiểm soát về mặt quản trị.

Chỉ trong những trường hợp hiếm hoi thì chính phủ mới chấp thuận cho phép thành lập các tổ chức do nước ngoài sở hữu toàn bộ, chủ yếu là dành cho các dự án lớn và phức tạp, khi mà hình thức liên doanh là không khả thi. Cũng giống như liên doanh, thời gian tồn tại của các tổ chức này bị giới hạn trong vòng 70 năm.

Hợp đồng gia công đã cho phép công ty nước ngoài được sử dụng nhà máy của Việt nam để tiến hành sản xuất hoặc lắp ráp. Nếu như sản phẩm được dự định là để xuất khẩu thì công ty nước ngoài đó có thể được nhập khẩu các nguyên vật liệu cần thiết, có thể được cung cấp một số thiết bị máy móc cho nhà máy đó, rồi sau đó sẽ tái xuất. Để thu hút loại hình hoạt động kinh doanh theo kiểu này, năm Khu Chế Xuất (EPZ) đã được thành lập, đưa ra các mức thuế suất đã được giảm bớt và sự đầu tư tiếp tục vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, danh tiếng của các khu chế xuất đó đã bị tổn hại do những vấn đề về nguồn cung cấp điện năng và tình trạng thiếu nước, và Khu chế xuất ở Hải phòng đã sụp đổ vào cuối năm 1995 sau khi người chủ sở hữu 70% số vốn cổ phần, có trụ sở tại Hong Kong, tuyên bố phá sản. Tân thuận, nằm gần thành phố Hồ Chí Minh, là Khu chế xuất thành công nhất, đã thu hút được 60 dự án. Càng trong thời gian gần đây thì càng có nhiều dự án hơn được triển khai trong những Khu Chế biến Công nghiệp mới (IPZ), được dự tính là sẽ trở thành các trung tâm sản xuất hàng hóa vừa cung cấp trong nước và vừa để xuất khẩu. Một số doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng, kể cả những nhà sản xuất thuốc lá, nước giải khát và bia, đã có được giấy phép để sản xuất với qui mô nhỏ trong khi chờ đợi chính phủ phê duyệt cho phép họ thành lập liên doanh để hình thành nên các cơ sở sản xuất mới và có qui mô lớn hơn.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh đã cho phép một doanh nghiệp tư nhân Việt nam và đối tác nước ngoài được tự do soạn thảo hợp đồng của chính mình, và không có một pháp nhân nào được thành lập. Hình thức hợp tác kinh doanh theo kiểu này yêu cầu phải xuất trình cho SCCI các báo cáo kết toán năm để từ đó SCCI tính toán khoản lợi nhuận mà cơ quan này cho rằng loại hình hợp tác kinh doanh đó đã thu được, và đánh thuế đối với hai đối tác đó theo các mức thuế suất khác nhau.

Năm 1995, chính phủ Việt nam đã công bố một danh sách về các dự án cơ sở hạ tầng chính mà đã đủ điều kiện để trở thành các dự án kinh doanh theo kiểu xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT). Theo hình thức kinh doanh này thì một tổ chức nước ngoài sẽ được phép xây dựng một tài sản như là một nhà máy điện hay một con đường có thu phí, rồi sau đó sẽ thu lợi nhuận từ việc vận hành tài sản đó trong một khoảng thời gian đã định, đến khi kết thúc thời hạn đó thì sẽ chuyển giao tài sản đó cho phía Việt nam sở hữu mà không được nhận tiền đền bù gì thêm.

Cuối cùng, các công ty nước ngoài có thể được cấp phép để thành lập văn phòng đại diện ở Việt nam. Vai trò của những văn phòng này chỉ hạn chế trong việc xúc tiến các hoạt động thương mại quốc tế, hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà xuất nhập khẩu địa phương, và những văn phòng này bị cấm tham gia vào các hoạt động đầu tư, trao đổi mua bán hàng hóa hoặc marketing.

Mọi phương thức gia nhập thị trường phải lệ thuộc vào sự phê duyệt chấp nhận của SCCI và trong nhiều trường hợp còn phải có được sự phê duyệt chấp thuận riêng biệt của các bộ ngành trong chính phủ hoặc của Ủy ban Nhân dân các cấp địa phương hay thành phố. Tất cả mọi nhà tư vấn đều đã cảnh báo rằng việc cấp phép không chỉ phức tạp và tốn thời gian mà còn không thể dự đoán trước được, do các qui trình thủ tục thường xuyên phải được ứng biến vì khung pháp lý chưa đầy đủ và hoàn thiện. Một MNC, đang tìm cách cố gắng để được nắm giữ 70% cổ phần trong một doanh nghiệp liên doanh, đã được thông báo là cần phải chi trả 120 khoản lệ phí riêng biệt trong vòng ba năm để có được những giấp phép cần thiết mà trong số đó chỉ có 40 khoản lệ phí là theo đúng qui định.

Thực hiện kinh doanh ở Việt nam

Các chuyên gia tư vấn và nhà quản lý có kinh nghiệm ở Đông Nam Á đã nêu bật một số yếu tố khác nữa được cho là rất quan trọng đối với mọi chiến lược thâm nhập thị trường.

1. Phân phối

Các đối tác phân phối tiềm năng rất nhiều nhưng có xu hướng chỉ tập trung vào một khu vực nhất định, thường là có qui mô nhỏ giống như một vài khối nhà trong một thành phố lớn. Sự lựa chọn mà mọi MNC phải đối mặt thì thường là giữa một tổ chức phân phối do chính phủ sở hữu một phần hoặc toàn bộ, và một nhà phân phối tư nhân trẻ nhưng có qui mô nhỏ. Loại hình doanh nghiệp trước có thể tự hào là có những mối liên kết tốt hơn với các nhà chức trách nhưng có thể tỏ ra là kém hiếu chiến hơn trong việc bán hàng, trong khi loại hình doanh nghiệp sau có thể có tinh thần kinh doanh hơn nhưng vẫn phải xây dựng một cơ sở khách hàng. Hoạt động phân phối trên qui mô toàn quốc đòi hỏi phải có một mạng lưới các đối tác phân phối rộng khắp; công ty dầu máy Castrol đã phải tự mình thành lập ra một đội xe tải để vận chuyển cung cấp dầu máy động cơ đến hàng loạt các điểm phân phối của nó. Điều khó khăn chủ yếu này đã được một chuyên gia tư vấn mô tả là “bình luận về sự khác biệt giữa những nhà phân phối hiếu chiến nhưng có năng lực và những anh chàng cao bồi liều lĩnh sẽ chặn bạn ở cửa ngay khi bạn vừa mới đến khách sạn”. Nhà tư vấn này còn cảnh báo rằng các doanh nghiệp Việt nam có xu hướng dựa trên “một nền văn hóa giao dịch mua bán . . . . Theo truyền thống, hàng hóa là rất khan hiếm, và nhu cầu tiêu dùng có thể được cho là điều hiển nhiên nếu như bạn tìm được cách đưa sản phẩm của mình ra thị trường. . . . Điều quan trọng vẫn là dịch chuyển sản phẩm nhanh chóng và thương lượng về giá, chứ không phải điều mà các công ty Phương tây biết như hoạt động marketing hay định vị sản phẩm. Công ty Honda đã tỏ ra xuất sắc trong trò chơi này khi bán các loại xe máy của họ: công ty này chỉ định một số lượng lớn các nhà phân phối, những người này sau đó sẽ phải cạnh tranh với nhau để đạt được khối lượng bán hàng mà họ cần để vẫn tiếp tục được làm địa lý bán hàng cho Honda vào năm sau. Kết quả là xe máy Honda hiện đang tràn ngập tại các thành phố của đất nước này.

2. Tham nhũng

Mặc dù đã có một chiến dịch của chính phủ và một sự gia tăng kết án tội phạm hình sự, tình trạng tham nhũng đã trở nên phổ biến tại tất cả các cấp trong cả khu vực công nghiệp lẫn chính phủ. Một giám đốc điều hành có kinh nghiệm của một MNC ở châu Á đã mô tả Việt nam là “đất nước tệ hại nhất ở Châu Á” trong vấn đề này, và qui kết rằng vấn đề này là do mức lương nói chung là thấp và thiếu một bảng kê chính thức về các khoản lệ phí giấy phép. Một người Mỹ gốc Việt là chủ sở hữu một công ty phân phối nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng vấn đề này đã tạo ra thách thức đặc biệt đối với các công ty Mỹ như: “Pháp luật của các công ty Mỹ (The Foreign Corrupt Practices Act – Đạo luật về hoạt động tham nhũng ở nước ngoài) có nghĩa là nếu một nhà quản lý của họ mà bị bắt thì trách nhiệm pháp lý có thể lan truyền trở lại khắp công ty. Điều đó sẽ làm cho họ vô cùng sợ hãi, và có thể đặt họ vào một tình thế bất lợi thực sự trong cuộc cạnh tranh với các công ty châu Á và châu Âu.”

Bờ biển dài và vùng biên giới có nhiều núi của Việt nam đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động buôn lậu hàng hóa vào đất nước này. Khoảng từ 40% đến 60% các mặt hàng điện tử tiêu dùng chất đầy tại những của hàng dọc các con phố ở thành phố Hồ Chí Minh được cho là hàng nhập lậu, tương tự như vậy là 100% các loại nhãn hiệu thuốc lá nước ngoài (bởi chúng bị ngăn cấm một cách chính thức). Các sản phẩm của Mỹ đã có mặt ở khắp nơi trong các thành phố lớn trước khi lệnh cấm vận thương mại được dỡ bỏ vào năm 1994, bao gồm cả những thương hiệu khác nhau như là Kleenex (với mức giá gấp ba lần các thương hiệu trong nước) và Kodak (một số cửa hàng tráng in ảnh Kodak đã hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh ngay từ đầu năm 1992). Các giám đốc điều hành của hãng Castrol đã tường trình về tình trạng cạnh tranh với các nhãn hàng dầu phanh đã được nhập khẩu trái phép dưới dạng “dầu máy động cơ” và do đó chỉ phải chịu mức thuế là 1% thay vì là 35%.

3. Cơ sở hạ tầng

Những năm chiến tranh và tình trạng kinh tế khó khăn đã để lại cho Việt nam rất ít cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho công cuộc cải cách kinh tế đầy tham vọng của họ. Chuyến đi 1,000 dặm giữa Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải mất từ 5 đến 8 ngày bằng đường bộ qua Quốc lộ 1 – con đường duy nhất nối liền miền bắc với miền nam của đất nước này – hoặc 2 ngày bằng đường sắt. Hai cảng chính của Việt nam, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng, đều là các bến cảng sông nước nông cách xa biển, do đó hàng hóa trên các con tầu lớn sẽ phải được bốc dỡ sang các tầu trung chuyển nhỏ hơn hoặc là tại Singapore, Hong Kong, hoặc là tại Kao Siung, Đài loan. Cả hai cảng này cũng đều không có đủ năng lực và thiết bị để đối phó với sự bùng nổ về hàng hóa nhập khẩu, giống như các cảng hàng không của đất nước này. Những sự chậm trễ còn trở nên nghiêm trọng thêm bởi sự mất mát hoặc làm hư hại sản phẩm trong quá trình quá cảnh được vận hành ở mức cao nhất trong khoảng từ 25% đến 50%. Các văn phòng và cơ sở sản xuất có thể phải chịu cảnh cúp điện luân phiên và mất tín hiệu viễn thông.

4. Chi phí

Một trong những điểm hấp dẫn chủ yếu của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài là mức phí lao động thấp. Tiền lương hàng tháng thông thường tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà nội là 40 USD cho một người lao động không có tay nghề (mức tiền công tối thiểu hợp pháp), 100 USD cho một thư ký, và 200 USD cho một kỹ sư hoặc nhà quản lý. Chi phí sử dụng lao động phát sinh thêm thường bằng 50% tiền lương. Các mức lương tại những nơi khác ngoài hai thành phố lớn đó thì thấp hơn một phần ba. Mặc dù trình độ giáo dục cơ bản là tốt nhưng các nhà quản lý tài năng thì lại khan hiếm. Các nhà đầu tư nước ngoài còn phải đối mặt với giá thuê văn phòng cao, và quá trình thành lập văn phòng diễn ra chậm chạp bởi cần phải có được giấy phép sử dụng đất cho tất cả các cơ sở hoạt động kinh doanh. Chi phí viễn thông cũng rất cao, ví dụ như lên tới 20 USD cho một phút điện thoại gọi về nước Mỹ. Cả hai loại chi phí về bất động sản và viễn thông được kỳ vọng là sẽ giảm xuống cùng với sự phát triển liên tục của thị trường.

Kiến thức tài chính | Trích tài liệu Đào tạo MBA

Vui lòng ghi rõ nguồn: https://www.taichinhlinhhoat.com


Từ khóa tìm kiếm:

Quản trị | Tài chính | Kiểm soát nội bộ | Lập kế hoạch | Lãnh đạo | Khởi nghiệp

Coin95 là trang blog được lập ra với mong muốn Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đầu tư, cách làm giàu từ cơ bản đến nâng cao cho cộng đồng. Trang chủ: https://www.coin95.net

Đăng nhận xét

© Coin95.NET. All rights reserved. Developed by Jago Desain